Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

HƯỚNG DẪN CÚNG DƯỜNG HƯƠNG (SANG)



HƯỚNG DẪN CÚNG DƯỜNG HƯƠNG (SANG)
Dodrubchen Jikmé Tenpé Nyima

Namo Guru Padmakaraye!

Hiện thân của ba đời chư Phật, Đấng Bảo Hộ của toàn thể chúng sinh,
Bảo bọc chúng con, những chúng sinh của thế giới ác trượt, với lòng bi mẫn của Ngài!
Vua xứ Oddiyana, là vương miện tối thượng của những giáo lý và thần dân xứ Tuyết,
Với lòng sùng mộ vô biên, xin đem thân, khẩu và ý của con chí thành đảnh lễ trước Ngài và xin Ngài ngự lên đỉnh đầu con.

Giờ đây, đề tài thảo luận như sau: nhờ cả hai: lễ vật và nghi lễ đều hư huyễn mà chúng ta có thể hoàn thành những tích tập giả ảo. Cũng bởi vì lý do này – gọi là tích lũy công đức – chúng ta có thể đạt trí tuệ toàn hảo. 

Bốn cách thức không nhọc công là bao mà lại lợi lạc và ý nghĩa đó là: cúng Sang, Torma [1], Sur [2] và cuối cùng chính là Thân của mình. Người nào thường xuyên chăm chỉ thực hiện những cúng dường trên, sẽ tích lũy nhiều công đức, bạt trừ mọi chướng ngại và cụ thể là tịnh hóa bất kỳ những chướng ngại và các yếu tố nào ngăn cản việc thành tựu Đạo Pháp và đạt giác ngộ ngay trong đời hiện tại, như mặt trời hiện ra trên đám mây. Vì những phương pháp này trợ giúp sự tiến bộ của chúng ta trên con đường hướng đến thành tựu Đại Viên Mãn (Dzogpa Chenpo), nó sẽ phát sinh ý thức giúp chúng ta dồn tâm sức vào việc thực hành chúng. 

Trước hết, chúng ta hãy xem xét kỹ lưỡng phương pháp cúng Sang. Những lễ vật cúng Sang phải có “nguồn gốc tốt, phẩm chất tốt, bày trí đẹp” . Điều này nghĩa là chúng không phải kiếm được từ phương kế sinh nhai sai lầm và tính bủn xỉn. Năm loại nghề nghiệp sai lầm [3] và tính bủn xỉn là những [nguyên] nhân tái sanh vào loài quỷ đói. Nếu chúng ta keo kiệt đối với phẩm vật cúng dường thì không khác chúng ta cắt thịt của chính thân thể mình thành nhiều mảnh, và việc đó sẽ không giúp ta tích lũy công đức, vì vậy chúng ta phải tuyệt đối tránh điều đó. “Phẩm chất tốt” nghĩa là chúng ta phải cúng phần đầu tiên hoặc phần tươi tốt nhất của thực phẩm của chính chúng ta ăn, không phải loại mà chúng ta không bao giờ đụng đến vì lẽ chúng đã bị hư thối, hoặc quá đắng, hay chỉ là những mẫu xót lại sau cùng. Đừng bao giờ làm như vậy. Chư Phật không có quan niệm tốt xấu, sạch dơ, nhưng mọi thứ phải sạch sẽ vệ sinh, như câu nói “Để đạt được mọi tích tập, phải sạch và sạch hơn nữa”. Điểm chính yếu đó là vật cúng dường phải hoàn toàn sạch và tinh khiết. 

“Bày trí đẹp” chính là nhấn mạnh đến dụng cụ đốt, cũng như sự sắp xếp các món cúng dường gọn gang và ngăn nắp.

Hơn nữa, dù đang làm gì thì chúng ta cũng phải hòa hợp hoạt động của thân, khẩu và ý của chính mình với nhau, hoặc là chúng ta sẽ không bao giờ thành tựu bất kỳ cái gì cả. Nếu chúng ta đơn giản hài lòng với việc trì tụng mà không có ý niệm về những gì đang diễn ra, như thể đầu mình là một chiếc mặt nạ bằng gỗ với cái lưỡi bằng giấy đung đưa bên trong, như thế chỉ nhọc sức mình mà chẳng thu được lợi ích gì. Nói tóm lại, đừng bao giờ trì tụng bất cứ cái gì mà không quán tưởng. Việc thực hành phải dựa trên giai đoạn phát triển (kyerim) và quán tưởng. 

Tóm lại, chúng ta bắt đầu bằng việc đọc tụng các câu Quy Y và Phát Bồ Đề Tâm, nương tựa vào Tam Bảo với niềm tin không lay chuyển, và khởi phát Bồ Đề Tâm nguyện là mong muốn tất cả chúng sinh, bao gồm chúng ta và các chúng sinh khác, đạt giác ngộ viên mãn. Nếu hai điều này không được thực hiện như một sự dẫn nhập thì việc thực hành giống như bắn một mũi tên vu vơ không nhắm vào đích. Tiếp theo, trừ khi quán tưởng chính mình trong hình tướng của Bổn Tôn, dù có thế nào thì chúng ta làm gì cũng sẽ không thể nào gia trì cúng phẩm, vì thế hãy quán tưởng chính mình là một Bổn Tôn. Từ chữ Hung trong tim ta hiện ra chữ Ram đỏ sậm đốt cháy các cúng phẩm. Từ chữ Yam (xanh lá cây) phát ra luồng gió thổi vào chúng, và nước từ chữ Kham (trắng) sẽ rửa sạch chúng. Nhờ đó, cúng phẩm được tịnh hóa trở về với bản thể không tuyệt đối thuần tịnh ban sơ, là pháp giới vượt ra ngoài mọi khái niệm.

Một lần nữa, quán tưởng mình là Bổn Tôn, từ trong tim ta phóng ra chữ Om với điểm sáng tròn trên đầu của nó biến thành chiếc bình báu to lớn đến mức choán đầy vũ trụ. Bên trong, chữ Om màu trắng tượng trưng tinh túy thân giác ngộ của chư Phật, chữ Ah màu đỏ là tinh túy khẩu giác ngộ và chữ Hung màu xanh dương là tinh túy tâm giác ngộ của các Ngài, rơi xuống như mưa từ tánh không tuyệt đối. 

Được ban phước như vậy rồi, các cúng phẩm về bản chất là không, là cam lồ của trí tuệ hoàn hảo sẽ giải thoát (mọi chúng sanh) qua sự nếm, chúng mang nhiều hình thức khác nhau tùy theo nhận thức của các vị khách khác nhau. Chúng xuất hiện dưới dạng hình tướng làm thị giác hưng phấn, là âm thanh làm thính giác hưng phấn, là hương thơm làm khứu giác hưng phấn, là vị ngon làm vị giác hưng phấn, là xúc chạm làm xúc giác hưng phấn, cùng với vô số các loại tuyệt hảo khác, đầy đủ không thiếu thứ gì tựa như một bình báu vô tận không bao giờ vơi cạn, giống như những đám mây cúng dường của Phổ Hiền Bồ Tát. Nhờ thần chúthủ ấn Hư Không Tạng chúng càng tăng trưởng lên vô số. Tiếp theo từ chữ Hung trong tim ta – cũng là tim của Bổn Tôn – phóng ra vô số tia sáng, và chúng ta nghĩ tưởng đến Tam Bảo, những khách mời của lòng sùng kính, những Hộ Pháp là khách mời vì những phẩm tính của họ, chúng sanh 6 cõi là những khách mời vì lòng từ bi, và cuối cùng là những vị khách gây chướng ngại là những người mà chúng ta mắc nợ họ những món nợ nghiệp. Tất cả hiểu lộ sắc thân vật lý trong không gian bao la của Tánh Không tuyệt đối như những bong bong chợt hiện ra trên mặt nước hay như tia chớp lóe sáng trên bầu trời. Vào lúc chúng ta đọc tụng những câu thỉnh mời các vị khách, chúng ta quán tưởng họ ngay tức thời xuất hiện phía trước chúng ta, với cảm nhận thật rõ ràng (sự hiện diện của họ), và chúng ta mời họ an tọa.

BỐN LOẠI KHÁCH MỜI 

1.    Các Đấng Tôn Quý, Tam Bảo, là những khách mời của lòng sùng kính, gồm Phật, Pháp và Tăng đoàn, toàn thể Bậc Thầy, Bổn Tôn, Dakini, v.v … Họ xuất hiện như những chòm sao sáng chói trên bầu trời.

2.    Hộ Pháp, là những khách mời vì phẩm tính của họ, bao gồm: 

§  8 Đại Tự Tại Thiên
§  8 Đại Long Vương
§  8 Đại Rahula
§  Tứ Đại Thiên Vương
§  10 Hộ Pháp thập phương
§  Nhị thập bát Tú
§  75 Hộ Pháp vinh quang của các Tịnh Thổ

Cùng với tùy tùng của các vị là người hầu, người hầu của người hầu và quyến thuộc, và toàn thể chư Thần và Hộ Pháp địa phương.

3.    Sáu cảnh giới chúng sanh, là những khách mời vì lòng từ bi, bao gồm chư Thiên, Nhân, Atula, Súc sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục …, tập hợp lại như một màn sương dày đặc trong không gian.

4.    Thế lực chướng ngại, là những khách mời vì những món nợ nghiệp chúng ta mắc nợ họ, bao gồm các chủ nợ như:

§  80.000 loại chướng ngại, đứng đầu bởi Tỳ-na-dạ-ca, vua gây chướng ngại.
§  Cũng như 15 vị Don vĩ đại những người gây hại trẻ nhỏ
§  Cùng Hariti và 500 người con của Bà.

Tất cả họ tập hợp trên mặt đất, như một đám đông khổng lồ con người và chư Thiên.

QUÁN TƯỞNG CÚNG DƯỜNG

Quán tưởng các Bổn Tôn chúng ta cúng dường, đang nhận các phẩm vật cúng Sang trong hình thức những tia sáng, như ánh mặt trời chạm vào nước, họ hấp thụ chúng qua chiếc lưỡi có dạng chày kim cương rỗng của họ. Hay là, chúng ta có thể quán tưởng rằng các thiên nữ cúng dường nhiều vô số như những hạt bụi trong ánh nắng, bay lên từ những sợi khói, mỗi vị tay phải cầm một chiếc bình cam lồ tinh khiết, trong tay trái là một hộp thuốc đầy và như thế họ bay đi khắp nơi đem khói hương ngào ngạt tràn ngập toàn thể vũ trụ bao la. Trên đầu những sợi khói, tỏa ra vô số kể mây cúng dường như đại dương vô tận, trong đó có 8 biểu tượng cát tường, 7 trang sức báu của Chuyển luân thánh vương v.v …

LỢI ÍCH CỦA CÚNG DƯỜNG

Nhờ cúng dường lên các Đấng Tôn Quý, những khách mời vì lòng sùng kính, toàn thể chúng sinh, kể cả chúng ta, sẽ hoàn thành hai tích tập, tịnh hóa hai che chướng và đạt hai loại thành tựu ngay trong đời này.

Nhờ cúng dường chư vị Hộ Pháp, những vị khách mời vì phẩm tính của họ, tâm của chư vị trở nên hoan hỉ thỏa thích nhờ hương vị Đại Lạc và Tánh Không, mà họ sẽ giúp chúng ta hóa giải mọi bệnh tật, những tiêu cực, những nghịch cảnh và chướng ngại, mang lại mọi nhân duyên, hoàn cảnh chân chính tích cực và thuận lợi, thành tựu tự nhiên như ý bất kỳ hoạt động nào chúng ta muốn.

Nhờ cúng dường đến sáu loài chúng sinh, những khách mời của lòng từ bi, họ sẽ thoát khỏi kiến chấp, đau khổ và tập khí tương ứng với cảnh giới của họ. Trong tương lai gần họ sẽ trở nên sung mãn và hỉ lạc như cõi Lạc Biến Hóa Thiên [4]. Cuối cùng, họ sẽ đạt Phật Quả, giác ngộ tự nhiên trong cảnh giới Akanishtha tối thượng.

Nhờ cúng dường đến các thế lực chướng ngại, những vị khách mời mà ta mắc các món nợ nghiệp, tất cả món nợ của chúng ta và toàn thể chúng sinh tích lũy trong vô thỉ kiếp sống, ngay cả trong thời hiện tại đều được trả dứt. Chúng bao gồm những món nợ làm đoản mạng chúng ta vì nghiệp sát sanh của mình; những món nợ khiến chúng ta đau ốm vì đã từng tấn công đánh đập người khác; những món nợ khiến chúng ta nghèo khổ bởi đã từng trộm cắp; những món nợ do phá hủy thành trì cung điện của chư Thiên và chiếm đoạt đất đai của kẻ khốn cùng [5] và những món nợ vì ngẫu nhiên làm chết người và súc vật. Mọi món nợ của chúng ta được trả; chúng ta thoát khỏi những bổn phận nghiệp, tránh khỏi đòn thù chí mạng của các chủ nợ nghiệp. Họ cũng sẽ thoát khỏi kiến chấp và mọi loại đau khổ, nhất là họ sẽ thoát khỏi những âm mưu hiểm độc và tập khí hãm hại người khác, đồng thời phát sinh lòng từ bi và bồ đề tâm quý báu.

Niêm phong thực hành là vô cùng quan trọng, do đó chúng ta hãy đem tâm quán tưởng khi hóa tán như sau.

QUÁN TƯỞNG HÓA TÁN

Khi chúng ta đọc phần hóa tán, chúng ta quán tưởng người cúng, cúng phẩm và người nhận, tất cả đều tan hòa vào hư không bao la tinh khiết từ nguyên sơ và tự do vô hạn, đó chính là Tánh Không trong đó sạch bóng khái niệm và vượt ngoài thế giới hữu hạn của ý niệm. Để kết thúc, chúng ta hồi hướng toàn bộ công đức của mình vì giác ngộ tối hậu và đọc những câu kệ cát tường thích hợp.

Dù trong thâm tâm con không chắc chắn cho lắm về ý nghĩa này, nhưng con vẫn còn nguyên vẹn sự chân thật của dòng khẩu truyền các Bậc Thầy vô song.
Con không hề có mảy may kiêu hảnh thông thái hay ý tưởng dạy dỗ nào cả.
Vì đáp lại lời thỉnh cầu của người bạn Pháp, con đã biên soạn hướng dẫn ngắn này để quán tưởng khi cúng Sang.
Nếu có bất kỳ sai sót nào, con xin sám hối trước tập hội của các Bổn Tôn trí tuệ.
Nhờ công đức này, nguyện con và chúng sinh – những ai nhìn thấy nghi thức này, đều được thoát khỏi mọi chướng ngại trên con đường đạt đến giác ngộ.
Và mọi ước nguyện hòa hợp với Pháp của chúng con đều được thành tựu viên mãn không chướng ngại.
Và nguyện tất cả đều cát tường để chúng con thành tựu hạnh phúc cho chính mình và chúng sinh tùy ý nguyện.

Khi tu sĩ Acho, người có được sự tự do và thuận lợi đầy ý nghĩa, và từng viếng thăm đôi lần mọi thánh địa vĩ đại khắp xứ Jambudvipa, đến thỉnh cầu nhiều lần, bảo rằng ông ta cần một hướng dẫn ngắn gọn để quán tưởng khi cúng Sang, tôi, người hành khất của Domé gọi là Ten, đã soạn bài này tại một chốn cô tịch trên triền núi Dorje Drak.

Sadhu! Sadhu! Lành thay!

Dịch sang tiếng Anh: Adam Pearvey, 2006. Xin cảm tạ Rinpoche Tulku Thondup vì những lời giải thích tử tế của Ngài.

[1]  Một cúng phẩm được làm từ nước, sữa và bột.
[2] Sur nghĩa là đốt cúng phẩm: “Một sự cúng dường bằng cách đốt cháy thực phẩm bằng than. Nó được dâng cúng cho chư Phật, Hộ Pháp, chúng sinh và nhất là cho những vong linh cùng những ai mà chúng ta mắc nợ nghiệp” (Lời Vàng Thầy Tôi, trang 405).
[3] Năm loại mưu sinh bất chính: 1. Đạo đức giả, 2. Nịnh bợ, 3. Mồi chài, 4. Chiếm đoạt, 5. Hào phóng toan tính.
[4] Cảnh giới cao nhất trong sáu cảnh giới của cõi dục.
[5] “Món nợ phá hủy thành trì cung điện của chư Thiên và chiếm đoạt đất đai của người nghèo” (Tulku Thondup).

Chuyển dịch qua tiếng Việt: Chú Nguyễn Việt Long.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét